Sát nhân mạng


Sát nhân mạng

Sát nhân mạng

~ SÁT NHÂN MẠNG ~ (The Blue Nowhere)
Tác giả: Jeffery Deaver. Dịch giả: Nguyễn Việt Dũng
Thể loại: Trinh thám hiện đại. Điểm: 9.5/10

Trong thời buổi mà những người lao động chân tay cũng dễ dàng sử dụng các thiết bị số và thuần thục Internet, cùng với sự tiến bộ vượt bậc của công nghệ thông tin và những mật khẩu dài mười mấy ký tự, tưởng như thông tin cá nhân của người dùng là bất khả xâm phạm. Thế nhưng, vẫn luôn tồn tại những bậc thầy công nghệ với tuổi đời có thể còn rất trẻ, đang từng phút từng giây đào xới “Miền xanh thẫm vô định” phía sau Internet, lật lên từng tấc “đất” và gieo rắc đủ thể loại “hạt giống” (virus, phần mềm xấu…) để gây hỗn loạn cho cuộc sống ảo và cả cuộc sống thực.

Jon Patrick Holloway, 27 tuổi, là một thiên tài công nghệ, nghiện tất cả những gì liên quan đến máy tính. Hắn biến cuộc sống thực thành trò chơi ảo, trong đó con người chỉ là những chủ thể vô hồn, có thể bị hắn giết bất cứ lúc nào, độ khó càng tăng thì hắn càng hứng thú. Một trong những vụ sát hại do Holloway gây ra là cắt mạng điện thoại để cách ly / thâm nhập và đọc email, qua đó biết hết thông tin về con mồi / dùng kỹ năng social engineering để tiếp cận / bắt cóc và đâm nạn nhân đến chết. Do hoàn cảnh đưa đẩy, thám tử Frank Bishop thuộc Đội điều tra trọng án của Sở Cảnh sát bang California đã chịu trách nhiệm lãnh đạo Đơn vị điều tra tội phạm máy tính để sớm ngăn chặn những hành vi tàn bạo của Jon Holloway. Công tác điều tra yêu cầu phải trưng dụng đến Wyatt Edward Gillette, một thiên tài máy tính – ngang hàng với Holloway – đang thụ án trong tù. Nhà cung cấp dịch vụ Internet lớn nhất thế giới Horizon Online đã cử Patricia Nolan – chuyên gia từ phòng an ninh mạng của họ đến hợp tác cùng đội điều tra trọng án. Tuy nắm trong tay những thành phần ưu việt và am tường thế giới mạng nhưng họ nhanh chóng nhận ra Jon Holloway là một kẻ thù kinh khủng và cực kỳ khó đối phó.

Tuy đã đọc qua vài quyển khác của tác giả Jeffery Deaver và rất ngưỡng mộ kiến thức sâu rộng của ông trong các lĩnh vực như phân tích nét chữ, phân tích đất đá, kỹ năng sử dụng các loại máy móc phức tạp để phục vụ điều tra, nhưng khi đọc quyển “Sát nhân mạng” này, Biển vẫn thật sự ấn tượng với cách tác giả đưa vào một lượng lớn kiến thức về công nghệ thông tin (theo cách hoàn toàn khác với “Nguồn Cội” của Dan Brown). Đương nhiên là bác Jeffery không đưa vào tác phẩm những ngôn ngữ lập trình khó nhằn, nhưng câu chuyện vẫn chứa đầy những thuật ngữ chuyên môn về lập trình và mạng như “mã nguồn, mã bảo mật, hacker mũ trắng, tái cấu trúc phần mềm…”. Điều khiến Biển nhớ nhất sau khi đọc truyện là thuật ngữ “social engineering” : đóng giả, giả vờ là một người không phải mình, sử dụng ảnh hưởng và sức thuyết phục để đánh lừa người khác nhằm khai thác các thông tin có lợi cho cuộc tấn công hoặc thuyết phục nạn nhân thực hiện một hành động nào đó. Tựa gốc của truyện là “The Blue Nowhere”, nghĩa là “miền xanh thẫm vô định”, ám chỉ thế giới mạng. Cụm từ này khiến ta dễ dàng liên tưởng thế giới mạng như một vũ trụ bao la không có điểm dừng, rất thú vị để khám phá nhưng cũng rất xa lạ để dấn thân. Những kiến thức chuyên môn trong quyển “Sát nhân mạng” không thể dễ dàng lướt qua như trong những quyển trinh thám khác của Jeffery Deaver, vì bất cứ ai biết sử dụng máy tính cũng hiểu được không nhiều thì ít những gì tác giả đang đề cập trong truyện, những kiến thức và thao tác quen thuộc này sẽ thu hút sự chú ý và khiến độc giả khó có thể rời mắt khỏi sách.

“Cuộc săn lùng trong miền Xanh thẳm vô định không giống tìm kiếm kho sách thư viện hay tại môt cánh đồng cỏ cao ngút hoặc trên da thịt mượt mà của người tình, nó giống như cuộc săn mồi trong một vũ trụ hoàn toàn giãn nở, nơi không chỉ chứa đựng thế giới mà chúng ta đã biết và những bí ẩn chưa được hé lộ mà cả những thế giới đã qua và những thế giới chưa hình thành”.

Truyện cũng đề cập một ít đến tình trạng đấu đá nội bộ vô nghĩa và quan liêu của chính phủ, chia rẽ nhau trong những giây phút nước sôi lửa bỏng mà lẽ ra phải hợp tác để sớm vô hiệu hóa hung thủ nhằm ngăn chặn những án mạng thảm khốc. Tuy phần lớn quá trình phá án diễn ra trên máy tính nhưng “Sát nhân mạng” vẫn có những pha hành động gay go, ứng biến thần tốc, đấu trí đấu dũng dữ dội. Dù đã biết đến các yếu tố gây bất ngờ trong truyện của Jeffery Deaver nhưng trong quyển này, Biển vẫn sửng sốt với cách xoay chuyển tình huống của tác giả và bị lôi cuốn đến mức phải đọc liên tục đến hết. Truyện không có quá nhiều yếu tố tình cảm ủy mị, không có những bậc phụ huynh phải vừa điều tra vừa canh cánh bên lòng nỗi lo cho con cái, chỉ thuần yếu tố trinh thám nên đọc rất mượt. Có một câu trong truyện khiến Biển khá hứng thú: “Cuộc đời chỉ là một cuộc hack lớn”, câu hỏi mà Biển đặt ra là “Nếu cuộc đời là một cuộc hack lớn thì máy tính và bàn phím sẽ là gì? Và ta sẽ hack vào cái gì?”.

Sau khi đọc “Sát nhân mạng”, Biển quyết định cuốn này sẽ được thêm vào list-sách-nhất-định-muốn-sở-hữu của mình. Quyển trinh thám dày hơn 500 trang này là một ấn phẩm tuyệt vời dành cho các cư dân mạng mê truyện trinh thám.

(Sea, 18-8-2018)

Camellia Phoenix


Sát nhân mạng là một cuốn sách kỳ lạ của tác giả truyện trinh thám nổi tiếng Jeffery Deaver. Không phải là những suy luận phá án bất ngờ của nhà hình sự học Lincoln Rhyme như những tập truyện trước, trong cuốn sách này, tác giả tập trung vào cuộc đấu trí giữa tội phạm công nghệ cao với những hacker chân chính.

Hắn biết rõ mọi thứ về bạn, nơi bạn sống, thói quen mua sắm của bạn, khi nào bạn đi ngủ, khi nào bạn vắng nhà.

Sát nhân mạng - Jeffery Deaver

Sát nhân mạng – Jeffery Deaver

Hắn biết bạn là fan của đội bóng nào, bạn có yêu động vật không.

Đáng sợ nhất là, Hắn có thể huỷ hoại bạn chỉ bằng một cú nhấp chuột

Hắn là ai, chính là một hacker mà bạn tưởng rằng chỉ có trong truyền thuyết hoặc ở trên báo chí.

Nói đúng hơn, bạn tưởng rằng hắn không tồn tại, chí ít là trong cuộc sống đơn điệu hằng ngày vẫn yên bình đều đều của bạn.

Trên thực tế thì, bạn không biết gì về hacker, không có nghĩa là họ không tồn tại.

Các hacker chân chính, ngay cả những tên tội phạm mạng nguy hiểm cho tới những hacker mũ trắng cũng có một quy luật: Không bao giờ nhắm mục tiêu là dân thường!

Hacker hoàn toàn có thể hack được máy tính của bạn, sử dụng kĩ thuật social engineering để cuỗm sạch tài khoản ngân hàng, sổ tiết kiệm của bạn. Nhưng họ không làm thế. Bởi đơn giản, mục tiêu của họ cao hơn, xa hơn. Đó là các tổ chức chính phủ, doanh nghiệp, hoặc những website có độ bảo mật cao. Bạn là dân thường thì vốn dĩ không cần lo lắng về việc một ngày đẹp trời sẽ bị hacker gõ cửa.

Thế nhưng, với một tội phạm mạng nguy hiểm như Phate thì khác. Khi tác giả Joffery Deaver tạo ra một hacker không thể phân biệt được thế giới ảo và thế giới thực thì tai hoạ đã thực sự xảy ra với những người dân thường trong câu chuyện của ông.

Phate đã từng là một siêu hacker tài ba, nguy hiểm. Thế nhưng việc đắm chìm vào thế giới ảo và ngày càng xa rời hiện thực, hắn coi việc giết chóc ở ngoài đời thực giống như một nhiệm vụ, một trò chơi trên mạng. Kết quả là vô số những con người bị hắn sát hại, bí ẩn và bất ngờ tới mức nạn nhận không biết gì cho tới khi hoảng loạn thì đã quá muộn.

Cảnh sát không biết gì về hắn. Nói đúng ra là không thể nào tìm ra được hắn. Giả dạng chỉ trong chớp mắt, hắn đã có ID mới, ảnh mới, gia đình hạnh phúc (thực ra chỉ là ảo) mới. Thậm chí gã hàng xóm của hắn cũng có thể mời hắn một ly rượu vang khi hắn rảo bước về nhà, và tưởng rằng kẻ đối diện là một doanh nhân thành đạt, có người vợ & 2 con đang du lịch xa nhà. Hắn social engineer giỏi tới mức không một ai nghi ngờ gì.

Nhưng vỏ quýt dày có móng tay nhọn

Đối phó với tên tội phạm nguy hiểm như vây, cảnh sát không thể dùng những phương thức phá án bình thường. Họ mời về đội phá án một thiên tài máy tính khác, hiện đang thụ án trong tù vì tội tò mò phá khoá an toàn của Bộ Quốc Phòng. Gã tên Gilette, có một tuổi thơ bất hạnh và đáng thương. Nhưng gã cũng tạo cho mình một vỏ bọc hạnh phúc bằng cách tự social engineer chính mình. Tuy vậy, điều tuyệt vời là gã vẫn phân biệt được đâu là cuộc sống thực, đâu là ảo. Chính bởi vì gã có yêu thương 1 người, người trước kia đã từng là vợ gã, người đã ruồng bỏ gã chỉ vì gã quá đam mê máy tính mà quên mất vợ.

Điểm khác biệt duy nhất của Gilette & Phate chính là Gilette có được tình yêu thương của cộng đồng, còn gã sát thủ thì không.

Sự bất công là Gilette nhiều lần suýt chết bởi vì bị truy sát hoặc bị bắt bởi quan chức cảnh sát của chính phủ, dù anh ta chưa từng giết người hay gây nguy hiểm cho xã hội. Còn Phate giết người hàng loạt, nhưng Bộ Quốc Phòng và các đặc vụ không quan tâm!

Chính bởi vậy, cuộc đấu trí giữa 2 thiên tài máy tính đã được Joffery Deaver miêu tả đầy kịch tính & hấp dẫn như một bộ phim hành động. Và ức chế cùng cực mỗi khi gần như đã tóm được tội phạm thì gã lại trốn thoát đầy bất ngờ.

Bởi gã có thêm một tay trong, Shawn. Kẻ đột nhập & lấy cắp thông tin gửi báo hiệu để Phate trốn thoát mà không ai nghi ngờ gì. Thậm chí cái cách mà tác giả tiết lộ thân phận thực sự của Shawn cũng khiến cho độc giả phải sững người.

Một cuốn sách đáng sợ, sẽ khiến bạn phải nâng cao mức bảo mật của chính mình

Chúng ta thường vô tư upload ảnh, video lên mạng xã hội như Facebook, Instagram, Zalo…

Chúng ta thoải mái công khai số điện thoại, địa chỉ nhà

Chúng ta khai thông tin ngày sinh, thông tin người thân công khai

Ở Việt Nam, chúng ta thậm chí dùng phần mềm không có bản quyền (full crack), không thèm sử dụng tường lửa hay Antivirus

Và dĩ nhiên là chúng ta có thể sẽ bị hacker thâm nhập một cách dễ dàng.

Họ biết rõ người thân của bạn là ai, nên họ có thể social engineering dễ dàng chiếm được tài khoản ngân hàng của bạn bằng cách giả dạng người thân bạn yêu cầu trợ giúp

Họ có thể tấn công bằng mã độc, keylogger, gửi email giả mạo tới bạn, chiếm quyền điều khiển điện thoại thông minh hay laptop của bạn dễ dàng.

Và tới một ngày đẹp trời, nếu Phate trong cuốn sách bước ra đời thực, thì thảm hoạ sẽ xảy ra.

Và lúc đấy thì, bạn cuống cuồng ẩn thân cũng đã quá muộn.

Cuốn sách của Jeffery ngoài khối lượng kiến thức đồ sộ về hacker & tin học máy tính, ngoài câu chuyện phá án nghẹt thở, sẽ giúp bạn có thêm động lực để nâng cao độ bảo mật thông tin cũng như sự an toàn của bản thân & gia đình.

Review sách – Reviewsach.net

Không phải tự dưng mà Jeffery Deaver trở thành một trong những tác giả trinh thám ăn khách nhất thế giới. Ngoài tài năng của mình, thì mỗi tác phẩm của ông đều hướng về một lĩnh vực nào đó để làm nền cho vụ án và những lĩnh vực đó thực sự đa dạng. Đến với “Sát nhân mạng”, tác phẩm mở ra một thế giới máy tính vô cùng thú vị, huyền ảo và cũng không kém phần nguy hiểm.

Sát nhân mạng - Jeffery Deaver

Sát nhân mạng – Jeffery Deaver

“Sẽ đáng sợ thế nào nếu ai đó biết mọi điều về bạn, và sử dụng chính những thông tin ấy để xé toạc lớp vỏ bọc mỏng manh bảo vệ những bí mật của cuộc đời bạn, trước khi thẳng tay kết liễu nó bằng một con dao đẫm máu…”

Trải nghiệm quyển sách trong thời kỳ hoành hành toàn cầu của WannaCry và sau đó là hàng loạt các virus máy tính độc hại khác, tôi nhận thấy quyển sách không đơn thuần chỉ là những giả tưởng của tác giả về mối nguy hại mang tên kỷ nguyên công nghệ số. Những điều được đề cập đến trong nó hoàn toàn có khả năng xảy ra ở hiện thực với tốc độ phát triển chóng mặt của kỹ thuật hiện đại ngày nay.

Nếu như bạn đã chán ngấy việc phải “gặp mặt” thám tử xe lăn Lincoln Rthyme thì “Sát nhân mạng” sẽ mang đến cho bạn một màu sắc mới mẻ khác với những tuyến nhân vật mới.

Sự đối lập giữa hai hacker Phate và Gillette là minh chứng rõ nhất cho thấy cuộc đời của ai đó dù có khắt nghiệt, khốn khổ đến đâu thì suy cho cùng lựa chọn một cuộc sống như thế nào là tuỳ vào bản thân người ấy, mọi sự đổ lỗi đều là nguỵ biện. Và nếu biết nhận ra sai lầm và thành tâm sửa sai khi chưa quá muộn, thì sẽ luôn có một cơ hội dành cho chúng ta. Cơ hội đó có thể là từ người khác, nhưng cũng có thể và hoàn toàn có thể là do chính bản thân ta tạo ra.

Cuộc chạy đua lần này không những diễn ra ở đời thực, mà còn chiếm phần lớn ở “miền xanh thẳm vô định”, nơi những con cá hacker thoả sức vẫy vùng trong vùng nước yêu thích của mình. Chắc hẳn không cần bàn đến yếu tố kịch tính, hồi hộp hay nghẹt thở với những tác phẩm của Deaver, vì vốn dĩ đó đã là đặc trưng của chúng rồi.

Những cú “twist” của “Sát nhân mạng” thậm chí có thể đánh lừa cả những fan ruột của Deaver. Bạn có thể không bị lừa ở cú “twist” thứ nhất, thứ hai, thứ ba v.v… nhưng chắc chắn cú “twist” cuối cùng sẽ khiến bạn bất ngờ (và bật cười). Truyện của Deaver luôn là thế.

Có lẽ thông điệp ẩn sau tất cả là muốn nhắc nhở chúng ta “hãy tắt máy tính đi và bước ra ngoài”. Giống như tiếng quát nạt đầy đau khổ của Shelton với Gillette ở những chương cuối: “Cuộc sống là Ở ĐÂY NÀY! Là máu, là thịt… những con người… gia đình cậu, con cái cậu… ĐÓ mới là cuộc sống thực.”

Quốc Huỳnh

Vẫn như vậy, Jeffery Deaver với một phong cách cực kỳ lôi cuốn khiến cho độc giả đã đọc là không muốn dứt ra. Tác phẩm trinh thám Sát Nhân Mạng lấy chủ đề về mạng – máy tính, có nhiều thuật ngữ tin học song vẫn dễ đọc (ít ra là về mặt ngôn ngữ). Có lẽ một phần nhờ bản dịch tốt, biên tập Bách Việt cuốn này trau chuốt, mạch lạc (dù vẫn còn một số ít lỗi đánh máy). Theo tôi những ai không quá rành về công nghệ thông tin hay không quá quan tâm thì chẳng cần đọc hiểu cặn kẽ.

Sát nhân mạng - Jeffery Deaver

Sát nhân mạng – Jeffery Deaver

Nội dung truyện hấp dẫn, từ sự rùng rợn đối với tội ác của hung thủ đến sự gay cấn trong cuộc đấu trí giữa hai siêu hacker. Gillete – nhân vật chính diện là một tội phạm đang thụ án, anh ta phải vào tù chỉ vì tài năng máy tính thiên bẩm và sự tò mò quá đỗi. Đằng sau Gillete là một câu chuyện buồn về tuổi thơ cùng nỗi đau và sự day dứt trong tình yêu. Hung thủ cũng vậy, hắn cũng có nỗi niềm riêng nhưng khác với Gillete hắn đã trở thành một kẻ máu lạnh – hay một con quỷ dưới hình tượng hóa của tác giả.

Qua những diễn biến của truyện chúng ta cũng thấy nhiều vấn đề được đặt ra, nó rất hiện thực và luôn tồn tại trong cuộc sống này, ở đây là sự vô cảm và máy móc của cảnh sát.

Lại nói về hình tượng hóa, dường như Jeffery Deaver khá kịch tính trong việc khắc họa nhân vật hay lột tả sự việc, chính vì vậy đôi khi đọc truyện của ông tôi thấy mọi thứ hơi ảo, song tác giả đều giải thích hợp lý nên hoàn toàn có thể chấp nhận được. Tuy nhiên ở cuốn này có một điểm tôi thấy khá thiếu sót, đó là tại sao cảnh sát đã có nhân dạng của hung thủ mà không phát lệnh truy nã? Dù hắn giỏi cải trang nhưng sau mỗi biến cố cảnh sát đều phát ảnh kỷ yếu hồi còn trung học của hắn cho các nhân chứng và người ta xác nhận là có gặp hắn. Việc đó cho thấy không phát lệnh truy nã trước đó là bất hợp lý. Cần phải có một lời giải thích thỏa đáng, mà tôi không nhớ có chi tiết nào nhắc đến điều đó.

Nhưng dù sao thì cuốn này cũng rất tuyệt. Đặc biệt là đoạn cuối, cực kỳ hồi hộp, giống như là đang chơi một trò chơi cân não vậy. Nói ngắn gọn thôi thì cuốn sách đem lại cho tôi sự phấn khích.

Đánh giá: 8/10đ

Ảnh: Bách Việt.

Đỗ Nguyệt Nguyệt

1 Comments

Bình luận về bài viết này