Cô gái có hình xăm rồng


Tác phẩm này đã đoạt Giải thưởng Glass Key (2006), Giải Barry (2010) và đã được đề cử cho Giải thưởng Strand Critics (2008)


Tác giả: Stieg Larsson. Dịch giả: Trần Đĩnh

Thể loại: Trinh thám Bắc Âu

Đánh giá chung: Nội dung tuyệt vời, bản dịch Việt bị biên tập tệ hại

Mikael Bloomkvist là một nhà báo kinh tế có tầm tại Stockholm (Thụy Điển), đã giúp thành lập và đồng sở hữu tạp chí kinh tế Millennium. Sau vụ đưa tin sai về một tỷ phú, Mikael bị tòa phạt tù ba tháng và một khoản tiền bồi thường lớn. Trong bối cảnh đó, anh được ông Henrik Vanger – người có thể xem như trưởng lão của gia tộc Vanger – vừa chào mời vừa quyết liệt yêu cầu anh thực hiện công việc viết biên niên sử gia tộc Vanger, nhưng thực chất Henrik muốn Mikael đọc lại toàn bộ tài liệu về vụ mất tích của cô cháu gái Harriet đã xảy ra 36 năm trước và giúp Henrik giải tỏa mọi băn khoăn khắc khoải. Nếu đồng ý công việc này, Mikael sẽ tạm trú trong khuôn viên của gia tộc Vanger trên đảo Heneby trong vòng một năm (không tính thời gian anh ngồi tù theo lệnh tòa). Trước khi quyết định thuê Mikael, Henrik cùng luật sư của ông đã nhờ cô gái 24 tuổi Lisbeth Salander thuộc công ty An ninh Milton điều tra vô cùng chi tiết về Mikael Bloomkvist. Tuy chỉ cao 1m5 và có lối sống rất khác thường nhưng Lisbeth là người làm việc hiệu quả nhất của An ninh Milton. Chẳng những cô điều tra về Bloomvikst mà còn tiện thể phanh phui ra thêm những sự kiện động trời khác.

Cô gái có hình xăm rồng

Biển đọc online bộ ba cuốn Millennium cách đây vài năm và nhớ mãi một số chi tiết đặc biệt tàn bạo trong truyện, cũng như đã xem phim “Cô gái có hình xăm rồng” và ấn tượng với diễn xuất của Rooney Mara trong vai Lisbeth Salander. Tuy sau thời gian dài canh me thì đã mua được sách giấy nhưng vì độ dài của bộ này nên Biển lười chưa đọc lại. Nhân dịp chị Hòa xếp bộ Millennium vào “những quyển sách đáng đọc nhất 2020” nên Biển cố gắng đọc hết tập 1 khi năm 2020 chưa qua đi. Thương nhớ bao nhiêu năm, chờ mong bao nhiêu năm để rước sách giấy về nhưng khi đọc chưa được bao nhiêu thì Biển buồn bực + bức xúc với phần dịch thuật + biên tập và hơi tiếc vì đã mua sách giấy. Nhưng chuyện buồn bực này sẽ viết ở cuối review để không ảnh hưởng nhiều đến người đọc review.

Vì “Cô gái có hình xăm rồng” chỉ là cuốn đầu tiên trong bộ nên Biển chưa thể chia sẻ nhiều về cảm nghĩ của mình đối với nhân vật chính Mikael Bloomkvist, nhưng qua cuốn 1 thì Biển cho rằng Mikael là một người tương đối tử tế, một nhà báo kinh tế có đạo đức nghề nghiệp, cố gắng sống đúng với lương tâm của mình. Mikael Bloomkvist khiến Biển nhớ đến nhân vật Eddie Flynn trong series truyện của tác giả Steve Cavanagh, cả hai đều là những người đàn ông có ý thức mạnh mẽ về chính nghĩa nhưng thể lực lại hơi kém, không phải quân nhân hoặc điệp viên được đào tạo chính quy nên khi bị hãm hại về mặt thể xác thì tính mạng như chỉ mành treo chuông, chỉ được cứu bởi… tác giả! Trong cuốn này có một câu mô tả Mikael Bloomkvist khá chính xác là “Anh ta như là hình ảnh của người canh gác nền đạo đức chọi lại với thế giới kinh doanh”. Biển cho rằng câu này dịch chưa được xuôi tai lắm nhưng chưa nghĩ ra cách dịch nào hay ho hơn.

Mikael Bloomkvist có một câu nói khiến Biển rất tâm đắc là: “Tình bạn xây dựng trên hai thứ – tôn trọng và tin cậy”.

Có một người bạn của Biển là chị Sông rất ưa thích nhân vật Lisbeth Salander. Bản thân Biển trước đây phần lớn ưa thích Lisbeth là vì cô ấy cá tính và xăm rồng (Biển cũng muốn xăm rồng), sau khi đọc truyện lần hai thì Biển thích cô ấy hơn nữa vì Lisbeth tuy khá lập dị đến mức quái dị nhưng là một cô gái tài giỏi và luôn có ý thức bảo vệ phái nữ – cũng là phái đẹp và phái yếu. Xuất thân, quá khứ và hoàn cảnh sống của Lisbeth khiến cô có được sự đồng cảm sâu xa với những khổ đau hoạn nạn của phụ nữ, và cô luôn làm hết sức mình để góp phần cứu giúp phụ nữ. Biển tự biết mình dù thích cũng không dám mong trở thành bạn bè với Lisbeth Salander, vì dù Biển khá lập dị so với những người con gái bình thường khác nhưng chưa đạt đến mức độ quái dị để có thể “cùng tần số” với Lisbeth trong mọi việc. ____ Chuyện tồi tệ mà Lisbeth Salander gặp phải với người luật sư bảo trợ cô ấy tuy giúp tăng kịch tính cho truyện (và cả phim) nhưng nghĩ kỹ lại thì Biển cho rằng có chút vô lý: một cô gái như Lisbeth không thể để mình rơi vào tình huống đó được. Tuy sau đó cô đã có cách xử lý “khá thuyết phục” khiến Biển hả hê MỘT CHÚT nhưng Biển vẫn chưa hết lăn tăn, chưa thể hết lăn tăn mà..

Lần thứ nhất Biển đọc “Cô gái có hình xăm rồng” là khi còn “nhỏ” nên không chú ý nhiều đến yếu tố trinh thám, văn phong và kiến thức của tác giả. Đến lần đọc thứ hai thì Biển đã biết nhiều hơn chút về cách thưởng thức một quyển sách nên sau khi đọc Biển có vài cảm nhận như sau: cốt truyện rất hay và sáng tạo, chứa đựng đủ bầu không khí lạnh lẽo và sự tàn bạo thường gặp trong dòng trinh thám Bắc Âu; văn phong của tác giả Stieg Larsson rất chi tiết đến mức hơi chậm, nhất là khoảng nửa đầu cuốn 1 khá lằng nhằng và có lẽ sẽ làm nản lòng một số độc giả, nhưng nếu chịu khó bước qua khoảng hơn 250 trang thì truyện trở nên dồn dập hơn, bắt đầu thu hút chú ý và hứng thú của người đọc. Tác giả Larsson là người sáng lập và tổng biên tập tạp chí Expo – một tạp chí Thụy Điển về chống phân biệt chủng tộc, sau khi tìm hiểu bằng Google thì Biển không thấy rằng Expo là một tạp chí về kinh tế, nhưng lĩnh vực báo chí kinh tế được ông viết vô cùng chi tiết trong truyện, dù có nhiều đoạn dài Biển bỏ qua vì quá khó hiểu dẫn đến buồn ngủ, thí dụ như Biển hoàn toàn không hiểu “buôn bán ngoại tệ” nghĩa là gì.

Trong lúc đọc cuốn 1 thì Biển nhiều lần bực mình đến nỗi định không thèm đọc cuốn 2&3 dù đã mua sách giấy, nhưng rốt cuộc vẫn sẽ đọc vì hai lý do

+ Nếu không đọc sách giấy mà đọc ebook được làm từ đúng những bản sách giấy đó thì cũng sẽ gặp những lỗi y vậy.

+ Được chị Hòa thuyết phục là “đọc trước chửi sau” nên Biển tạm nguôi nguôi để đọc.

Tóm lại là ngoại trừ ý tưởng lớn nhất mà tác giả muốn truyền đạt – là kêu gọi bảo vệ và giúp đỡ phụ nữ thoát khỏi nạn bạo hành và lạm dụng tình dục – thì còn lại tổng thể “Cô gái có hình xăm rồng” không còn gây được ấn tượng mạnh mẽ cho Biển như lần đọc đầu cách đây vài năm. Bìa trước của cuốn 1 và cuốn 3 có kiểu chữ nổi bật tràn ngập cả bìa và trông hơi thô, chỉ riêng bìa cuốn 2 “Cô gái đùa với lửa” là trông được được chút. Gáy sách của ba cuốn cũng không đồng điệu với nhau, không có tác dụng làm đẹp kệ sách. Về cách đánh số trang, tất cả các trang chẵn bị bỏ số để thay bằng tựa sách “Cô gá i có hình xă m rồng” lỗi font như Biển vừa gõ, và mỗi khi sang chương mới thì 3;4 trang liền không đánh số luôn. Ý kiến cá nhân Biển là: Bộ Millennium là một bộ sách đáng đọc đối với mọt trinh thám nhưng chỉ nên đọc ebook để nắm nội dung chứ đừng mua sách giấy, vì sách giấy khiến Biển buồn bực quá đi.

(Sea, 28-12-2020)

.

.

Đây là review ngắn của chị Hòa đã giúp thuyết phục Biển ráng đọc lại sách giấy tập 2&3:

“Anh chị em bạn hữu quen hay chưa quen thì nên đọc bộ này nhen. Vì nữ chính của bộ truyện này vượt qua tất cả mọi giới hạn và là nhân vật nữ chính có 1 ko 2 trong lịch sửtrinh thám từ cổ điển cho tới hiện đại. Cuốn 1 mn có thể bỏluôn 1/3 cuốn rồi sau đó quay lại đọc sau cũng dc vì khá khô khan đúng với kiểu trinh thám Bắc Âu. Khi đọc đừng chú ý đến lỗi biên tập, tập trung vào nội dung truyện thôi rồi đọc xong quay ra chửi lỗi biên tập câu chữ vẫn chưa muộn. Mình hy vọng và mong mọi người nên đọc bộnày 1 lần trong đời sau đó hãy xem phim❤. Vì thật sự đây là 1 tuyệt phẩm của cố tác giả Stieg Larsson”.

Giờ Biển đã review đàng hoàng xong nên “quay ra chửi lỗi biên tập câu chữ”. Sau khi phát hiện lỗi thứ hai hoặc thứ ba gì đó thì Biển giở phần đầu sách ra và thấy “In lần thứ bảy”. Biển tự hỏi là chẳng lẽ sau lần in thứ nhất hoặc thứ hai và trước lần in thứ ba hoặc thứ tư thì NXB không đọc lại bản dịch để sửa lỗi (nếu có – và có nhiều) hay sao. Ngoài những câu dài được dịch rất xuất sắc thì Biển vẫn bắt gặp nhiều chỗ cứ như sao chép thẳng từ phần dịch thuật của Google Translate rồi sửa lại một cách ẩu tả. Sau thời gian dài mong chờ để mua được sách giấy thì phần biên tập tệ hại khiến Biển cảm thấy như bị phụ lòng.

__ 3 lần từ “rời” bị viết sai thành “dời”: “Phóng viên bị kết án dời Millennium”; “dời nhà đi bơi”. Để tránh hiểu nhầm về sự khác biệt ngôn ngữ vùng miền thì Biển đã tra cứu về “dời” và “rời” và thấy rõ là trong sách in sai. Link mà Biển tra cứu ở đây:

https://1thegioi.vn/nhieu-truong-hop-dung-sai-ca-tieng-me-de-ky-3-17028.html

__ “suốt một năm dòng” >> lẽ ra là “một năm ròng”

__ trang 120 đang xưng “anh – tôi – cô” thì đến trang 121 (cùng đoạn) chuyển sang xưng “tớ – cậu”

__ trang 490 có hai đại từ nhân xưng “lão” và “hắn” trong cùng một câu để chỉ về cùng một người

__ “nống không cần thiết các hy vọng của chú ấy lên” >> “nống” là gì?

__ “bị kim la xắng téng” là gì?

__ “khi anh còn là một cha bé tẹo” >> có thể thay “cha” bằng “thằng nhóc”

__ “cầu thang chôn ốc lên gác lửng” >> câu này Biển đọc ba lần vì tưởng có một loại cầu thang có ốc vít được chôn dưới đất!

Biển nghĩ dù dịch giả đem ngôn ngữ vùng miền vào bản dịch thì cũng phải nghĩ đến độc giả trên cả nước sẽ đọc bản dịch của mình, còn việc biên tập và duyệt bản thảo là trách nhiệm nặng nề của biên tập viên, nhưng đối với cuốn “Cô gái có hình xăm rồng” thì cả phần dịch thuật lẫn biên tập đều khiến Biển không hề hài lòng, rất bực bội và bất mãn. Vì bản tiếng Anh rất khó đọc đối với Biển, không thì Biển cũng cố gắng đọc bản Anh và cất ba cuốn bản Việt cho phủ bụi thời gian, không hẹn ngày đọc lại.


Cô gái có hình xăm rồng - Stieg Larsson

Cô gái có hình xăm rồng – Stieg Larsson

Tựa gốc là “Män som hatar kvinnor” – “Men Who Hate Women” (Những Người Đàn Ông Ghét Đàn Bà). Có thể từ đây mà dễ dàng đoán ra tiểu thuyết này sẽ xoay quanh những tội ác chống lại phụ nữ; từ những vụ hành hung, hiếp dâm cho đến những định kiến xã hội, những mỉa mai cay nghiệt và những lời sỉ nhục phụ nữ. Một chủ đề tối tăm, và lại càng đáng sợ hơn khi nhân vật nam chính Mikael Blomkvist và tác giả Stieg Larsson đều là những nhà báo kỳ cựu nên những gì họ viết ra không còn là những hư cấu mơ hồ về những tội ác tưởng tượng mà là sự thực, hoặc rất gần với sự thực. (Từ những trải nghiệm cá nhân và những gì tôi quan sát được xung quanh, tôi tin rằng những tội ác này hoàn toàn có thể xảy ra trong thực tế).

Các chủ đề khác được khai thác trong tiểu thuyết này: bảo mật cá nhân, nữ quyền, Quốc xã, phân biệt chủng tộc, đạo đức nghề báo, kinh tế – tài chính, những mối quan hệ gia đình, loạn luân… Tất cả đều được miêu tả tương đối tỉ mỉ. Nhưng đây có thể coi là một nhược điểm khiến cho câu chuyện dài dòng, chậm chạp hơn so với chuẩn mực trinh thám thường đề cao tốc độ, kịch tính, hồi hộp, giật gân.

Khi câu chuyện diễn ra được một nửa, Mikael Blomkvist và Lisbeth Salander gặp nhau thì mọi thứ mới bắt đầu tăng tốc, và đoạn kết (của vụ án, không phải của tiểu thuyết) thực sự rất nghẹt thở. Mikael Blomkvist và Lisbeth Salander đều là những nhân vật cực kỳ độc đáo, gợi người đọc nhớ đến những em bé kỳ quặc (Kalle Blomkvist và Pippi Tất Dài) của Astrid Lindgren. Họ có thể không tuân theo những quy định của luật pháp, nhưng họ không bao giờ làm trái những đạo đức của lương tâm. Và độc giả cũng đồng tình với họ.

* Chấm điểm: 7.5/10

Người Đọc


Cô gái có hình xăm rồng - Stieg Larsson

Cô gái có hình xăm rồng – Stieg Larsson

Mình đến với cuốn sách nhờ vào những lời khen hết mực của nhiều review trên mạng. Đây là lần đầu tiên mình thấy một series được đánh giá cao ngất ngưỡng như vậy. Nhưng mình vẫn còn hoài nghi vì khá nhiều những tác phẩm được trang trọng đầu đề ngoài sách là “The International Bestseller” không thoả mãn được mình. Sau khi đọc đến trang cuối cùng của cuốn sách này, mình đã hiểu tại sao nó lại trở thành một hiện tượng xuất bản ở châu Âu thời bấy giờ (có thể là cho tới tận bây giờ).

Tầm trăm trang đầu của “Cô gái có hình xăm rồng” khá chậm. Đây có lẽ là giai đoạn thử thách lớn nhất của người đọc. Nếu như không có những bảo chứng từ những người đã đọc trước thì có khi mình đọc phần đầu rất lâu. Vượt qua được giai đoạn thử thách trên, câu chuyện diễn biến như những cơn sóng trào. Sự kiện này nối tiếp sự kiện kia khiến mình không thể dứt quyển sách ra được. Nói không ngoa thì đây cũng là lần đầu tiên mình đọc một tác phẩm trinh thám hiện đại mà không thấy “mệt”, chỉ muốn cùng những nhân vật chính khám phá ra được bí ẩn đằng sau.

Có một điều gì đó rất lạ trong cách kể chuyện của Larsson. Khác với các tác giả khác, dường như ông biết cách lôi kéo và kêu gọi đầu óc tò mò của độc giả. Bất cứ khi nào mình cảm thấy “nản” về mạch truyện thì y như rằng lại có một sự kiện tiếp theo nổ ra vực dậy sức đọc của mình. Cảm giác như đó là một quãng nghĩ để người đọc mất cảnh giác và tác giả bùm ra quả bom kế tiếp trong sự ngỡ ngàng và không thể đoán trước nổi. Những quả bom ấy rải đều trong khắp quyển sách. Là những cú thúc làm cho người đọc không thể đặt quyển sách xuống và đi tiếp cho đến khi ngạc nhiên vì đã đọc qua cả trăm trang sách mà không hề cảm nhận được bản thân đã đi xa đến thế.

Điểm lạ thứ hai của Larsson là ông đã tạo ra được những nhân vật “khác người” nhưng vẫn có thể khiến người đọc yêu mến những nhân vật ấy. Hai nhân vật chính Blomvist và Salander là ví dụ điển hình nhất. Mình có cảm tưởng như đang xem một bộ phim chứ không còn là đọc sách nữa. Mọi thứ đều rất chân thật và mình cảm nhận câu chuyện như thể nó đang chạy qua trước mắt chứ không còn là từ những con chữ. Rõ ràng tác giả đã kích thích trí tưởng tượng của mình đến mức độ cao nhất từ trước đến nay.

Qua tìm hiểu thì mình biết được bộ ba tác phẩm trong series này đều chỉ là những bản thảo của tác giả chứ chưa thực sự hoàn chỉnh, cũng như việc ông dự định viết nhiều hơn về series này nhưng tiếc thay lại mất quá sớm để hoàn thành nó. Tác giả là một người làm trong lĩnh vực báo chí, nên các chuyên môn về báo chí được miêu tả trong sách mình hoàn toàn tin tưởng.

Cuối cùng, mình đã có thêm được một cái tên mới trong danh sách các “thám tử” của mình: Lisbeth Salander. Một cô gái rất hay, dị và thú vị. Mình muốn viết nhiều hơn về tác phẩm này, về Lisbeth Salander, nhưng để tóm gọn tất cả trong một câu, thì nó sẽ là:

Nếu bạn yêu thích trinh thám, hãy đọc “Cô gái có hình xăm rồng” ngay đi!

Quốc Huỳnh


Cô gái có hình xăm rồng - Stieg Larsson

Cô gái có hình xăm rồng – Stieg Larsson

Bộ tiểu thuyết Thiên niên kỷ (Millennium) được cho là được Stieg Larsson bắt đầu lên ý tưởng và viết vào năm 1997. Ông đợi sau khi viết xong bản thảo hai cuốn đầu tiên và gần xong cuốn thứ ba mới gửi cho các nhà xuất bản ở Thụy Điển. Vào 9/11/2004, ông mất đột ngột vì một cơn đau tim trước khi kịp hoàn thành bản thảo hoàn chỉnh của ba cuốn sách đầu tiên.

Một trong những vụ án được tác giả lấy cảm hứng để viết là vụ án cô gái điếm Catrine da Costa bị sát hại và phanh thây năm 1984 tại Thụy Điển.

Tháng 8/2005, tập đầu tiên trong series được in ra với tên tiếng Anh là The Girl with the Dragon Tattoo và ngay lập tức gây được tiếng vang lớn. Hai cuốn sách còn lại được xuất bản trong 2 năm kế tiếp lần lượt là The Girl Who Played with Fire (2006), The Girl Who Kicked the Hornets’ Nest. Bộ ba này được các fan ưu ái gọi tắt là “Dragon”, “Fire”, “Hornet”.
Tính đến tháng 3/2015, 80 triệu bản in của ba cuốn sách đã được bán trên toàn thế giới.

Mình vốn rất hay xem phim, và thường xuyên sử dụng trang imdb.com để tìm các bộ phim được đánh giá cao để thưởng thức, đặc biệt là các bộ phim kinh điển, mang tính hàn lâm. Thoạt đầu khi đọc giới thiệu và nhìn ảnh bìa thấy có Daniel Craig, mình cũng không hứng thú lắm, tên phim thì dài ngoẳng, cũng chỉ nghĩ thoáng qua : lại một phim hành động hiện đại kiểu điệp viên siêu cấp đây. Rồi cứ khất lần mãi, cuối cùng rồi một ngày cũng đến lúc mình xem bộ phim, và nó thực sự gây shock cho mình. Mình shock vì sự trùng hợp, vì câu chuyện đau đớn của một nhân vật nữ trong phim kia trong phim chính là một câu chuyện ngoài đời thực mình vừa mới biết vào thời điểm đó. (Xin phép chỉ nói lấp lửng như vậy, vì mình không có quyền nói chi tiết).

Các bạn ạ, những tội ác trong phim và truyện đôi lúc còn kém xa những sự việc kinh khủng do con người gây ra trong thực tế, đến mức bạn đọc và xem những thứ đó đúng nghĩa là để giải trí thôi. Chính điều này đã khiến tác phẩm gây một sự ám ảnh nhất định đối với mình, khiến mình phải lập tức mua luôn ba cuốn để đọc.

Như đã nói ở trên, do tác giả mất trước khi tác phẩm được xuất bản, trên thực tế là bản thảo được tìm thấy sau khi tác giả mất, nên đây vẫn chưa phải là bản thảo hoàn chỉnh cuối cùng, vì vậy cũng còn nhiều lỗi nhỏ, và đôi lúc thiếu sự liên kết giữa các tình tiết trong truyện. Vì vậy mình không muốn phân tích kĩ phần chuyên môn và kỹ thuật viết của tác giả.
Có hai điểm gây ấn tượng cho mình nhất : điều đầu tiên, mình xin gọi là Nghệ thuật hội họa trong tác phẩm trinh thám và điều thứ hai là nhân vật nữ chính Lisbeth Salander.

– Đọc xong ba cuốn tiểu thuyết khiến mình nghĩ tới một cách khác để nhìn nhận lại tác phẩm. Hình dung tất cả các trang sách giống như một bức tranh vẽ chì tĩnh vật : chỉ bằng duy nhất cây vẽ chì mà có thể tạo ra ảo giác ba chiều bằng các kĩ thuật đổ bóng, tô màu, dùng bóng tối để định hình ánh sáng….

Xây dựng nhân vật không phải bằng cách chỉ tả vẻ ngoài và buông một tràng tiểu sử loằng ngoằng lên trang sách là nhân vật sẽ trở lên “sống động” ngay được. Đó mới chỉ là cái khung phẳng trong không gian 2 chiều. Phải bằng cách để nhân vật đó tương tác với các nhân vật khác, phải bằng cách mà nhân vật đó đương đầu, giải quyết sự cố, khó khăn, phải bằng các tiểu tiết nhỏ gần như vô hình mới có thể tạo ra sự đối lập khiến nhân vật đó trở nên “thực” hơn. Và về phần này, thì Stieg Larsson đã tạo ra những nhân vật “sống động đến kinh ngạc” với sự chi tiết và tỉ mẩn gần như cầu toàn mang đậm phong cách nhà báo.
Một điểm mình muốn lưu ý về tư duy vẽ tĩnh vật nói trên, đó là “hành động ẩn” của các nhân vật. Nó cũng giống như mặt đằng sau của vật được vẽ. Với một số tác phẩm khác mình không thấy phần “hành động ẩn” của các nhân vật được chú trọng, vì đa phần điều này áp dụng cho tuyến nhân vật phụ, cứ như thể cả cuốn sách là một phần chiếu slide show khô cứng, và các nhân vật bất động, đứng im đó đợi đến lượt mình được viết đến. Không có tư duy riêng, không có tương tác, không có hoạt động nào diễn ra khi mạch truyện kéo dài mà không viết về các nhân vật này. Để rồi khi các nhân vật này xuất hiện, thường xuyên là bị tác giả lợi dụng để truyền đạt tư tưởng, triết lý, nhân sinh quan của mình về vấn đề gì đó. Điều này dẫn đến ở một số tác phẩm, ngay cả một người vô gia cư, hay một tên tội phạm, hay bất kì nhân vật nào cũng bỗng chốc trở thành những triết gia bất đắc dĩ nào đó có hệ tư duy giống hệt nhau, đọc nghe rất gượng và không thật.

Đây là công thức để mình đánh giá sự sắc nét khi đọc bất kỳ một một tác phẩm trinh thám hiện đại nào khác. Và sau khi ngẫm lại thì ít có tác phẩm nào xây dựng được nhân vật đủ “thực” để thuyết phục được mình.

– Điều ấn tượng thứ hai là nhân vật Lisbeth Salander. Và điểm ấn tượng nhất ở cô chính là sự chủ động và bất cần (một cách cố ý)…Đây có lẽ chính là mong muốn thầm kín của hầu hết mọi người, đặc biệt là phái nữ : sống theo bất cứ cách gì mình thấy phù hợp, làm bất cứ việc gì mình thích, ăn bất cứ đồ ăn nào mình muốn, không bao giờ phải bận tâm về bất cứ ý kiến của ai, ngủ với bất cứ ai mình thấy có hứng, và chỉ dành thời gian cho những gì khiến mình quan tâm…..Thêm nữa là cô cũng chả phải bận tâm về tiền bạc.

Cô còn có khả năng tự vệ đặc biệt dữ dằn, có đời sống ngoài vòng pháp luật. Mô-típ một nhân vật có siêu kĩ năng, chống lại những “thế lực lớn” như : sự bất bình đẳng không bao giờ có thể san lấp, ngay cả ở những quốc gia tiến bộ như Thụy Điển; sự thối nát của bộ máy quan chức nhà nước, ở bất kỳ cấp độ nào cũng có thể thấy; và một chủ đề mà tác giả là chuyên gia theo đuổi đã nhiều năm : chủ nghĩa phát-xít, phân biệt chủng tộc và tàn dư của chúng bám vào xã hội như một khối u di căn……rất gây thu hút với người đọc. Những điều mà trong thực tế ít có ai được chạm tới và dám làm.

Một cuộc phiêu lưu tầm cỡ mà tác giả đã lên ý tưởng cho tận 10 cuốn sách, nhưng tiếc thay ông lại ra đi đột ngột. Và sau ba cuốn sách này mình chợt nhận ra, mình vẫn luôn vô thức ưu ái những tác phẩm đề cao vai trò của người phụ nữ hơn, đặc biệt là những phụ nữ cá tính độc đáo và dám khác biệt.

Tóm lại : Tác phẩm xuất sắc, tình cờ đến với mình vào đúng thời điểm. Mình ủng hộ và được truyền cảm hứng bởi tư tưởng nữ quyền tiến bộ của tác giả.
9.5/10.

(Với thang điểm 1: Phải đi ị ngay sau khi đọc xong và 10 : Nếu cần thì mình sẽ đến tận nơi và ịn cuốn sách lên mặt bạn để bắt bạn đọc nó)

Giao Bui

Cô gái có hình xăm rồng

Cô gái có hình xăm rồng

Truyện gì mà tựa đề chán đến thế cơ chứ! Bước vào chương 1 còn chán hơn, toàn là tài chính với cả đầu tư, đọc chả hiểu gì sất.

Nhưng bước qua chương 2 thì mọi thứ khác hẳn. Salander, nhân vật thám tử có một không hai trong giới trinh thám xuất hiện hết sức thú vị. Câu chuyện dần trở nên hấp dẫn đến mức mình không buông sách xuống được.

Tác giả vô cùng khéo léo khi xây dựng một cốt truyện đồ sộ nhưng không hề rối rắm. Mỗi nhân vật đều để lại ấn tượng riêng nên mình nhanh chóng nắm bắt được hệ thống gia tộc Vanger. Một điều cực kỳ khăm phục tác giả: thường thì những vụ án cũ xa xưa từ mấy chục năm trước mà lại được đem ra soi mói ở hiện tại ít khi hấp dẫn được mình. Nhưng tác giả đã đưa mình ngược dòng thời gian trở về câu chuyện 36 năm trước, làm sống lại những bí ẩn tăm tối của một gia tộc bề thế đầy quyền lực trong giới công nghiệp Thụy Điển. Quá xuất sắc.

Bên cạnh vụ án là những vấn đề thực tế của xã hội Thụy Điển được lồng ghép khéo léo. Những vấn đề về phụ nữ, có vẻ như quốc gia nào cũng có, nhờ.

Điều mình không thích về cuốn này là chuyện tình cảm hết sức kỳ cục. Một cô gái đã có chồng vẫn ngang nhiên qua lại lẫn quan hệ tình dục với một người đàn ông khác, mà ông chồng dù biết vẫn thản nhiên chấp nhận, còn người đàn ông kia cũng thản nhiên cho đó là “vị tha”, “rộng lượng”?! Ông nhà báo nhân vật chính thì gặp ai cũng quan hệ tình dục được. Người ta coi quan hệ tình dục là gì vậy nhỉ? Một hành động “làm cho vui” à? Cái này mình không đồng tình lắm. Lúc ông nhà báo bị treo lên mình còn mong ổng bị hiếp dâm thành công mà, cho vừa! Bởi thế các nhân vật làm mình chán ghét, ai cũng thủ đoạn lọc lừa hoặc có tư tưởng lạ lùng về mặt tình cảm. Ngay cả Salander cũng vậy. Cô là một nhân vật thú vị, có những góc nhìn lạ (như khi cô chửi Herriet là đồ khốn nạn), nhưng không phải kiểu nhân vật mà mình thích.

Nói về dịch thuật thì cuốn này dịch không hay nếu không muốn nói là quá tệ. Nhiều câu/đoạn tối nghĩa hoặc được dịch một cách vụng về. Mở ra bất cứ trang nào cũng sẽ gặp những câu như thế này:

“Isabella có thể rắn nhưng đôi khi bà ấy không ở đấy hẳn”. (Có phải ý muốn nói “Isabella có thể nom có vẻ cứng rắn, nhưng không hoàn toàn như thế”???)

“Điều này bắt đầu có ở ông khi ông phát hiện ra rằng thông qua việc vào sổ sách có tính sáng tạo, người ta có thể lừa một khách hàng”. (Vâng, thì sáng tạo!)

“Bốn gã lực sĩ tóc vàng mặc quần soóc và bỏ sơ mi”. (“Bỏ sơ mi”? Dịch từ “shirtless” chăng? Bỏ sơ mi thì mặc áo phông nhé. =))))

“Tôi nghĩ chỗ này là ông sẽ cần phải giải thích đây nha.” (“Nha” cái gì mà “nha”. Móa đọc tới chỗ này bực kinh khủng)

Tóm lại đây là một cuốn sách rất hay nếu chịu khó bỏ qua phần dịch thuật.
Điểm cá nhân: 8.5/10.

Châu Minh Ảo

Cuộc đời đọc sách khiêm tốn nhưng cũng xin mạn phép nói một câu, nếu yêu thích thể loại trinh thám và hành động thì mình khuyên bạn đừng bỏ qua bộ ba Cô gái có hình xăm rồng, Cô gái đùa với lửa và Cô gái chọc tổ ong bầu.

Năm 2011 quyển tiểu thuyết Cô gái có hình xăm rồng đã được chuyển thể thành phim. Phim được đề cử 5 giải Oscar, đề cử đó cùng tên gọi đã khiến mình tò mò về nó. Xem phim rất thú vị, tuy nhiên đọc sách càng hấp dẫn hơn!

Stieg Larsson

Stieg Larsson

Lisbeth Salander là thiên tài về máy tính, nhưng tuổi thơ bất hạnh khiến cô phải chịu sự quản chế của xã hội. Cô làm công việc như một hacker lấy trộm thông tin dưới lớp vỏ của một nhân viên trà nước bình thường cho một công ty.

Tình cờ Salander được thuê để thu nhập thông tin của Mikael Blomkvist, một nhà báo kì cựu vừa bị kiện bởi bài viết về tập đoàn mà anh điều tra. Blomkvist bị thua kiện và kéo theo đó là nhiều hệ lụy cho anh và Millenium – tờ báo mà anh sáng lập cũng như đồng sở hữu.

Từ thông tin Salander lấy được đã giúp thân chủ của cô quyết định thuê Blomkvist điều tra về sự mất tích của cô cháu gái cách đây 40 năm. Blomkvist nhận được lời hứa hẹn sẽ được cung cấp bằng chứng phạm tội của Wennerströ, kẻ đã kiện anh ra tòa. Cùng lúc đó, người giám hộ của Salander bị thay thế bởi một kẻ xấu xa.

Cả hai nhân vật, từ đầu câu chuyện đều theo đuổi con đường riêng của mình. Đó là hai hành trình song song khá thú vị, cho đến lúc Blomkvist phát hiện ra sự tồn tại của Salander, người biết quá nhiều về anh, hơn bất kì ai trên cõi đời này, trong khi điều anh biết về cô chỉ đơn giản là một cái tên.

Hiểu rõ về con người của Blomkvist, Salander quyết định giúp anh điều tra về vụ án mất tích cách đây 40 năm. Thông qua cuộc điều tra ấy, hai con người tưởng chừng không cùng thế giới Blomkvist và Salander đã gắn kết với nhau đồng thời tài năng cũng như tính cách độc đáo của Salander càng lúc càng chinh phục độc giả.

Khả năng dẫn dắt độc giả Stieg Larsson hết sức tài tình, thật khó lòng buông xuống quyển truyện đang cầm trên tay.

Và khi đã bị Cô gái có hình xăm rồng – Salander chinh phục, người ta cứ càng muốn biết thêm về cô. Cô đã trải qua những gì, điều gì khiến cô gái ấy khác biệt đến vậy và quan trọng là cô ấy sẽ làm gì. Và những điều đó sẽ được giải đáp trong hai tập tiếp theo trong bộ truyện.

Theo mình thì Cô gái chọc tổ ong bầu và Cô gái đùa với lửa về độ hấp dẫn chỉ có tăng chứ không giảm. Đó là những gì tiếp theo của câu chuyện, những gì đáng được viết tiếp chứ không phải là câu chuyện cố ý được kéo dài để câu khách.

Có thể nói Salander là nhân vật đã để lại ấn tượng với mình sâu sắc vì sự đặc biệt của cô ấy, đặc biệt về tính cách lẫn ngoại hình.
Tất nhiên cũng phải công nhận tài năng của Stieg Larsson. Chỉ là đáng tiếc, ông đã qua đời sau khi chấp bút 3 tập sách, mà lẽ ra có thể còn có những tập tiếp theo nữa.

Hãy đọc và cảm nhận bộ Cô gái có hình xăm rồng nhé, mình tin các bạn sẽ không phải thất vọng!

Hoàng Khôi

3 Comments

Bình luận về bài viết này